Điện toán đám mây mùa Covid – Nguy cơ hay Cơ hội để bứt phá?
Điện toán đám mây mang đến cho doanh nghiệp sự “tự do”, khả năng phát triển quy mô linh hoạt với chi phí đầu tư luôn được tối ưu tốt nhất.
Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là những doanh nghiệp truyền thống, không có sự đầu tư tốt cho sự chuyển đổi số. Rối loạn trong giao tiếp giữa “sếp – nhân viên”, giữa “nhân viên – nhân viên” và giữa “nhân viên – khách hàng” là một ví dụ điển hình khi chính phủ thực hiện giãn cách xã hội. Lúc này, điện toán đám mây chính là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ “vỡ trận”.
1. Vì sao doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ điện toán đám mây?
Điện toán đám mây mang đến nhiều giá trị cho doanh nghiệp
Điện toán đám mây phù hợp với tất cả doanh nghiệp muốn đổi mới, giảm chi phí phát triển, vận hành và mở rộng thị trường cũng như tệp khách hàng. Ví dụ, cảnh xếp hàng mua game hot tại những cửa hàng đã không còn, thay vào đó bạn có thể ngồi nhà và thực hiện giao dịch nhanh chóng thông qua những nền tảng như Xbox Live hay Steam. Cụ thể hơn, một giải pháp “đám mây” tốt sẽ giúp doanh nghiệp của bạn:
- Nhanh chóng thử nghiệm, triển khai các ý tưởng phần mềm, kiến trúc ứng dụng mới. Và đặc biệt không cần phụ thuộc vào giới hạn phần cứng.
- Dễ dàng tích hợp, cập nhật và phân phối sản phẩm đến người dùng cuối.
- Giảm đáng kể chi phí đầu tư, tổng chi phí sở hữu và chi phí khắc phục downtime.
- Bảo mật dữ liệu thông qua hệ thống xác thực, kiểm soát truy cập và mã hoá.
- Linh hoạt chọn lựa, nâng cấp nguồn tài nguyên phù hợp với quy mô doanh nghiệp.
- Cải thiện sự hợp tác giữa các phòng ban, tránh tình trạng giẫm chân lên nhau hay thiếu sự minh bạch khi làm việc.
- Dễ dàng sao lưu, khôi phục và lưu trữ dữ liệu không giới hạn.
- Truy cập và làm việc bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, bất cứ thiết bị nào.
- Toàn quyền kiểm soát dữ liệu.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa chuyển đổi số, chưa ứng dụng công nghệ “đám mây”.
2. Đại dịch Covid-19 tác động đến xu hướng điện toán đám mây như thế nào?
Công nghệ “đám mây” hay giải pháp “đám mây” không mới nhưng nó bắt đầu phát triển mạnh và thực sự bùng nổ kể từ khi Covid-19 lan rộng. Có thể thấy điều này biểu hiện qua:
- Hành vi tiêu dùng và văn hoá làm việc đã thay đổi hoàn toàn.
Với các lệnh giãn cách, phong tỏa nhằm đảm bảo cho dịch bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, mọi người đều hạn chế ra ngoài, không đến những nơi đông người và cũng hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Sự tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực thương mại điện tử
Các cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng…phải đóng cửa, không thể bán tại chỗ mà phải bán mang về hoặc nhận đặt món từ xa và ship tới tận nơi. Nếu không có các nền tảng đặt món, giao hàng, quản lý đơn hàng thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người bán, doanh thu bán được ít hoặc thậm chí là không bán được đơn hàng nào.
Lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển cực kỳ nhanh để đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của các nhà kinh doanh và người tiêu dùng trên toàn thế giới.
- Văn hóa làm việc tại nhà – WFH được nhiều tổ chức lựa chọn
Nhiều cơ quan không còn làm việc trực tiếp tại văn phòng, hội sở mà chuyển về làm việc online từ xa, điều này yêu cầu cần có hệ thống quản lý online để công việc không bị gián đoạn.
- Gia tăng đột biến số lượng doanh nghiệp đang ứng dụng điện toán đám mây
Hẳn nhiên, khi mọi thứ đều số hóa thì việc sử dụng điện toán đám mây sẽ chỉ là sớm hay muộn.
- Sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của dịch vụ phát Video trực tuyến
Có thể thấy, đại dịch khiến cho người dân ở nhà nhiều hơn và sử dụng nhiều dịch vụ giải trí online để giải trí. Mặc dù vậy, sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống thì những chỉ số trên không giảm. Điều này cho biết đã có sự thay đổi rất lớn trong hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng.
- Doanh nghiệp nhỏ dành nhiều sự quan tâm hơn đến các dịch vụ điện toán đám mây
Các đám mây sẽ giúp những doanh nghiệp nhỏ có lợi thế cạnh so với đối thủ trong ngành bằng việc tối ưu chi phí và truy cập dữ liệu từ xa. Theo nghiên cứu của Gartner, có hơn 60% chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ dùng Cloud Computing để lưu trữ dữ liệu vào năm 2022, tức gần gấp đôi 2018.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần công nghệ đám mây để vượt qua khó khăn
- Điện toán đám mây là sự lựa chọn ưu tiên của các tổ chức chính phủ
Hiện nay, nhà cung cấp AWS có hơn 6500 khách hàng là các cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ với nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn dữ liệu. Mặc dù vậy, công nghệ điện toán đám mây đã chứng minh được sự an toàn so với lưu trữ vật lý truyền thống. Vì nó có tính liền mạch, mức phân quyền cao và khả năng kiểm soát toàn diện từ chủ sở hữu.
3. Những thách thức khi áp dụng điện toán đám mây
Chuyển đổi nền tảng vật lý sang đám mây cần một chiến lược cụ thể
Mặc dù sở hữu nhiều lợi ích nhưng quá trình “lên mây” cũng có khá nhiều thách thức nảy sinh như:
- Không có chiến lược cụ thể khi di chuyển sang nền tảng điện toán đám mây
Hiện nay, rất nhiều tổ chức vẫn chưa có chiến lược rõ ràng khi chuyển sang nền tảng điện toán đám mây. Dẫn đến việc thực hiện quá trình di chuyển cẩu thả. Từ đó khiến họ không thể tận dụng hết tiềm năng của nền tảng và có thể tốn nhiều chi phí hơn về lâu dài. “Lên mây” cần sự suy xét kỹ lưỡng môi trường mới sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai. Sau đó, xác định mức độ đầu tư một cách phù hợp nhất.
- Di chuyển quá nhanh
Đôi khi, hệ thống của bạn đang tồn tại các vấn đề mà lâu nay không được phát hiện. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp, nếu chúng hoạt động càng lâu, càng có nhiều khả năng phát triển một số cách giải quyết cho phép hệ thống tiếp tục hoạt động trơn tru.
Các giải pháp này thường có dạng cấu hình bất thường hoặc tập lệnh tùy chỉnh. Việc chuyển đổi sang một môi trường hoạt động khác có thể khiến chúng ngừng hoạt động. Hoặc tạo ra các lỗi không mong muốn. Do đó, bạn phải đánh giá kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống của mình. Cũng như xác định các vấn đề tiềm ẩn trước khi thực hiện chuyển đổi.
- Tính toán sai chi phí
Nhiều tổ chức xem tiết kiệm chi phí là động lực chính để chuyển đổi sang đám mây. Nhưng một số trong đó thấy rằng họ không tiết kiệm được nhiều. Nguyên nhân chính là do việc tối ưu hóa tài nguyên kém. Các tổ chức thường đánh giá quá cao nhu cầu lưu trữ của mình. Điều này khiến họ phải trả cho nhiều tài nguyên điện toán đám mây hơn họ thực sự cần.
- Các vấn đề bảo mật đám mây
Khi di chuyển sang nền tảng điện toán đám mây. Về cơ bản bạn đang yêu cầu một bên khác “giữ hộ” dữ liệu của bạn. Do đó, bạn nên nắm các thực tiễn bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ đám mây của bạn. Ví dụ: nơi dữ liệu được lưu trữ, cách nhà cung cấp mã hóa dữ liệu đến và đi của bạn và những quy định mà nhà cung cấp tuân thủ…
- Đào tạo nhân viên về các giải pháp điện toán đám mây
Khi chuyển sang một nền tảng công nghệ mới, bạn cần đảm bảo rằng tất cả nhân viên trong tổ chức đều nắm rõ kiến thức và cách sử dụng các giải pháp trên nền tảng mà doanh nghiệp đang ứng dụng.
4. Kết luận
Hiện nay trên thị trường có 3 loại điện toán đám mây là IaaS, PaaS và SaaS. Mỗi loại công nghệ sẽ có sự quản lý, phương thức quản lý và cách kiểm soát khác nhau. Nhưng nhìn chung chúng đều giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Quan trọng hơn, công nghệ này cho phép công ty linh hoạt mở rộng quy mô và tiếp cận được nhiều khách hàng mới, giải quyết khủng hoảng Covid-19.
Nếu công ty của bạn đang cần sự hỗ trợ của các chuyên gia về Điện toán đám mây để giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp của mình, hãy liên hệ với ODS ngay hôm nay.