ODS CHÍNH THỨC CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN NỀN TẢNG IPv6
Sáng ngày 6/5/2019 tại JW Marriot Hà Nội, ODS đã cùng các cơ quan, doanh nghiệp khai trương cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng IPv6 tại Việt Nam, chính thức ghi nhận Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trên nền tảng IP thế hệ mới.
“Khai trương, chuyển đổi cung cấp dịch vụ sử dụng IPv6 trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số” là chủ đề tại hội thảo “Ngày IPv6 Việt Nam 2019” được chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia và có sự tham gia của các cơ quan thuộc Bộ TT&TT, các Sở Thông tin và Truyền thông, Cục CNTT của các Bộ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, các Nhà đăng ký tên miền “.VN”, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và các đơn vị phát triển, cung cấp dịch vụ nội dung trực tuyến, báo điện tử, mạng xã hội,…
Với khả năng mở rộng vô cùng lớn của không gian địa chỉ IPv6, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn, IPv6 được đánh giá là thực sự cần thiết nếu muốn phát triển IoT trong kỷ nguyên 4.0.
Cùng với sự cam kết, ODS IDC với vai trò là 1 ISP cung cấp hệ sinh thái dịch vụ hạ tầng Data Center và Internet đã chính thức cung cấp các dịch vụ trên nền tảng IPv6 đến Khách hàng như: Colocation Server, Dedicated Server, Cloud Server Managed Services, Promail Managed Services, Privated Cloud,…
Giới thiệu về địa chỉ IPv6
Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bit, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động Internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.
Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản:
- Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet.
- Khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.
Địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bit, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bít chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet.
IPv6 được thiết kế với những tham vọng và mục tiêu như sau:
- Không gian địa chỉ lớn hơn và dễ dàng quản lý không gian địa chỉ.
- Khôi phục lại nguyên lý kết nối đầu cuối-đầu cuối của Internet và loại bỏ hoàn toàn công nghệ NAT
- Quản trị TCP/IP dễ dàng hơn: DHCP được sử dụng trong IPv4 nhằm giảm cấu hình thủ công TCP/IP cho host. IPv6 được thiết kế với khả năng tự động cấu hình mà không cần sử dụng máy chủ DHCP, hỗ trợ hơn nữa trong việc giảm cấu hình thủ công.
- Cấu trúc định tuyến tốt hơn: Định tuyến IPv6 được thiết kế hoàn toàn phân cấp.
- Hỗ trợ tốt hơn Multicast: Multicast là một tùy chọn của địa chỉ IPv4, tuy nhiên khả năng hỗ trợ và tính phổ dụng chưa cao.
- Hỗ trợ bảo mật tốt hơn: IPv4 được thiết kế tại thời điểm chỉ có các mạng nhỏ, biết rõ nhau kết nối với nhau. Do vậy bảo mật chưa phải là một vấn đề được quan tâm. Song hiện nay, bảo mật mạng internet trở thành một vấn đề rất lớn, là mối quan tâm hàng đầu.
- Hỗ trợ tốt hơn cho di động: Thời điểm IPv4 được thiết kế, chưa tồn tại khái niệm về thiết bị IP di động. Trong thế hệ mạng mới, dạng thiết bị này ngày càng phát triển, đòi hỏi cấu trúc giao thức Internet có sự hỗ trợ tốt hơn.